• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 24.700 ha lúa, trong đó 10% trà sớm, 70% trà chính vụ và 20% trà muộn. Thời điểm này những trà lúa mùa chính vụ gieo cấy sớm đã đỏ đuôi vào chắc hạt, còn lại các trà lúa muộn đang làm đòng, trỗ bông, chín sữa. Tuy nhiên thời tiết chuyển biến bất lợi, mưa nhiều khiến cho sâu bệnh hại xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất cả vụ, do vậy các ngành chức năng đang tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ và thu hoạch sớm diện tích lúa đã chín.

Khẩn trương thu hoạch lúa đã chín

Hiện nay, một số xã có lịch gieo cấy trà lúa mùa sớm như: Ninh Lai, Thiện Kế, Vân Sơn, Hồng Lạc (Sơn Dương); Thổ Bình, Hồng Quang (Lâm Bình); Yên Nguyên, Hòa Phú, Tân Thịnh, Phúc Thịnh, Tân An, Hòa An, Nhân Lý (Chiêm Hóa); lúa đã đỏ đuôi. Một số địa phương đã cho thu hoạch rộ. Các ngành chức năng khuyến cáo người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín tránh ảnh hưởng của thời tiết, bởi lúa mùa để lâu sẽ có hiện tượng rụng hạt.

Huyện Sơn Dương vụ này gieo cấy  6.274,8 ha lúa, trong đó có trà sớm 1.027 ha, trà chính vụ 4.923,7 ha, trà muộn 324,1 ha. Các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Đại Phú, Sơn Nam và các xã nằm ven sông Lô có lịch gieo cấy trà sớm đang cho thu hoạch rộ. Xã Ninh Lai (Sơn Dương) vừa hoàn thành thu hoạch 315 ha lúa mùa, năng suất đạt 56 tạ/ha, giảm 5 tạ/ha so với vụ trước. Chị Hoàng Thị Quyên, nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phụ trách xã Ninh Lai cho biết, vụ mùa này năng suất lúa giảm so với mọi năm do thời điểm lúa làm đòng gặp mưa to kèm theo gió mạnh đã khiến một số diện tích bị ngập nước, còn lại đa phần diện tích lúa bị giảm khả năng thụ phấn gây ra hiện tượng lép hạt, năng suất giảm.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa mùa xã Thiện Kế (Sơn Dương).

Không chỉ xã Ninh Lai, năng suất lúa tại các xã có lịch gieo cấy sớm đều bị giảm do ảnh hưởng của thời tiết. Diện tích lúa của xã Thiện Kế cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, hiện người dân đang thu hoạch rộ, ước năng suất giảm từ 4 - 5 tạ/ha so với mọi năm. Bà Dương Thị Thanh, thôn Thiện Phong, xã Thiện Kế (Sơn Dương) chia sẻ: “Đầu vụ gieo cấy thuận lợi lúa phát triển tốt, sâu bệnh không gây hại nhiều, tuy nhiên lúa đang trổ đòng thì bị ảnh hưởng của bão, mưa lớn mấy ngày. Hiện gia đình đã thu hoạch 7 sào lúa giống KM18 năng suất chỉ đạt 1,2 tạ/ sào, giảm một nửa so với vụ trước”. 

Theo đánh giá của ngành chức năng, chỉ một số ít trà lúa sớm tại một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thời tiết, còn lại đa phần diện tích lúa trà chính vụ và trà muộn không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, lúa bắt đầu vào chắc, diện tích lúa trà muộn đang trỗ bông, chín sữa, dự kiến cho thu hoạch rộ vào khoảng 10 - 15 ngày tới.

Phòng, chống sâu bệnh gây hại lúa cuối vụ

Để có vụ mùa đạt kết quả cao, UBND tỉnh và các ngành chức năng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương cần tập trung hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ.

Ông Hoàng Ánh Dương, thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, so với những năm trước thì vụ mùa năm nay làm sớm, nước tưới đầy đủ, cây lúa cũng phát triển tốt hơn. Hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn trổ bông nên cùng với bón phân để tăng cường dinh dưỡng, giúp cây lúa trổ bông khỏe, cho năng suất cao, ông còn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xảy ra, tránh không để ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch cuối vụ.

Những ngày này thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây lúa, số ngày mưa, trời âm u nhiều hơn số ngày nắng, do vậy các ngành chức năng dự báo trong một vài ngày tới một số loại sâu bệnh hại xuất hiện trên diện tích lúa nên người dân cần thường xuyên bám sát đồng ruộng theo dõi tình hình dịch bệnh phát sinh để có các biện pháp phòng trừ.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên diện tích lúa xã Minh Thanh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, qua kiểm tra sản xuất tại các huyện, thành phố, trên trà lúa mùa muộn đang giai đoạn làm đòng đến trỗ bông một số đối tượng sâu bệnh đang phát sinh gây hại như: rày nâu và rày lưng trắng (rày lứa 6) đang gây hại mật độ phổ biến 500 - 700 con/m2, nơi cao 1.000 - 2.000 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang gây hại mật độ phổ biến 4 - 5 con/m2, nơi cao 8 - 10 con/m2; sâu đục thân 2 chấm gây hại giai đoạn lúa trỗ bông, chín sữa, tỷ lệ hại nơi cao 3 - 5% số bông bạc, bệnh bạc lá, đen lép hạt tiếp tục phát sinh gây hại tăng sau các đợt mưa kèm theo dông. Ngoài ra tại một số diện tích lúa bị ngập nước trong những trận mưa vừa qua có hiện tượng thối bẹ.

Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để hạn chế sâu bệnh gây hại trên trà lúa mùa muộn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn nhân dân theo dõi sát diễn biến của sâu bệnh hại trên ruộng và tổ chức phòng trừ hiệu quả. Đồng thời, tăng cường cán bộ kiểm tra trên trà lúa làm đòng, trỗ bông, chín sữa; theo dõi sát diễn biến phát sinh của sâu bệnh trên lúa; đôn đốc hướng dẫn nhân dân tiếp tục phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu đục thân, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn...


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 60
Hôm qua : 1.375