• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan tâm bồi dưỡng cán bộ văn hóa xã

Công chức văn hóa xã hội ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở. Họ là nhân tố then chốt trong việc phát huy sức sáng tạo văn hóa của nhân dân, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm trong phát triển đất nước.

Đồng chí Hoàng Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, hàng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh đều xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở với những nội dung thiết thực, cụ thể như: tập huấn cho các đội tuyên truyền cơ sở; tập huấn hát Then, đàn tính; công tác tổ chức hoạt động câu lạc bộ; phương pháp xây dựng một chương trình nghệ thuật tổng hợp... Qua đó, giúp những người làm văn hóa cơ sở nâng cao kỹ năng, tổ chức được đa dạng các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, sử dụng và khai thác tốt các thiết chế văn hóa ở cơ sở, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chị Nguyễn Minh Hương, công chức văn hóa xã hội xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, xã Phù Lưu có 22 thôn với hơn 80% là dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày và dân tộc Dao. Hiện nay, trong lộ trình của huyện là xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Xã đang duy trì hiệu quả hoạt động của CLB hát Then, đàn Tính xã Phù Lưu và đội văn nghệ thôn Pác Cáp, đội văn nghệ của các trường học trên địa bàn xã. Cùng với đó, Phù Lưu còn có lễ hội truyền thống Chợ Thụt (tổ chức vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm).

Một lớp tập huấn cho hạt nhân văn hóa cơ sở của Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Đây thực sự là ngày hội của người dân với rất nhiều các hoạt động như: thi gian hàng giữa các thôn, trưng bày và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương như mắm cá ruộng, lợn tên lửa, bánh dê, chè lam, gạo nếp nương... cho du khách. Các hoạt động thể thao như đánh Pam, bóng chuyền hơi, bóng đá... cũng được duy trì thường xuyên, sôi nổi... Nhờ nhiều năm kiên trì khơi dậy và phát huy được sức sáng tạo văn hóa của nhân dân, Phù Lưu đã xây dựng được đời sống văn hóa ở cơ sở theo xu hướng tích cực, tiến bộ.

Xã Chân Sơn (Yên Sơn) đang chú trọng kích cầu phát triển du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn. Cùng với việc khôi phục lại Lễ hội tắm lửa của đồng bào Cao Lan, phát huy các điệu múa dân gian dân tộc đặc sắc của người Cao Lan như múa chim gâu, múa cầu mùa, múa xúc tép... xã còn duy trì hiệu quả 2 Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn với 35 hội viên và CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở thôn Đèo Hoa, xã Chân Sơn. Anh Lâm Tiến Long, công chức văn hóa xã hội xã Chân Sơn chia sẻ, điều đáng mừng ở Chân Sơn là hiện nay các nghệ nhân cao tuổi đang tích cực truyền dạy nét đẹp văn hóa dân tộc mình cho những người trẻ, để các cháu có thể tự hào, tự tin vận dụng và tỏa sáng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình ở bất cứ đâu...

Cũng là công chức văn hóa xã hội, nhưng lợi thế của chị Chẩu Thị Tuyền, dân tộc Tày, công chức văn hóa xã hội xã Tân Long (Yên Sơn) lại có lợi thế đặc biệt ở chỗ, đó là chị được đào tạo bài bản về nghệ thuật, có thể dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật quần chúng thuần thục, hướng dẫn được phong trào... Nhờ vậy, chị đã thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn xã, tạo được nhiều sân chơi phong phú, hữu ích cho người dân ở cơ sở.

Nội dung công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở bao hàm đa dạng các lĩnh vực hoạt động: thông tin tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, công tác tuyên truyền cổ động trực quan, quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, hoạt động nghệ thuật quần chúng, liên hoan, hội thi, hội diễn; công tác sưu tầm, khai thác và bảo vệ di sản văn hóa; du lịch, thể thao, lễ hội, công tác câu lạc bộ...

Để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ này trong điều kiện xã hội và trình độ dân trí ngày càng cao, hơn lúc nào hết, cần có một đội ngũ công chức văn hóa có năng lực tổ chức các hoạt động thực tiễn, am hiểu những hoạt động mang tính đặc thù của ngành văn hóa. Đây chính là nhân tố then chốt góp phần khơi thông những mạch nguồn văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm trong phát triển đất nước.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 466
Hôm qua : 1.080