• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện dân vận của Then Mỵ

“Trước luồng bão dịch “cô na” (Virus Corona)/Dân ta đoàn kết vượt qua an toàn/Vì thế không được chủ quan/Tiêm vắc-xin đầy đủ không loan tin mù/Mũi 3, mũi 4 tự tin/Không lo virut hoành hành như xưa”... Đó là trích đoạn ngắn trong bài “Tuyên truyền về tiêm phòng vắc-xin” của bà Hà Thị Mỵ. Gần 3 thập kỷ gắn bó làm cán bộ thôn bản bà đã biết cách làm thơ, sáng tác bài hát Then khéo léo lồng chính sách, pháp luật để tuyên truyền cho người dân. Ca từ dân giã, hóm hỉnh “dễ cuốn” khiến người nghe thích thú truyền tai nhau. Nay bà còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của xã, bà say mê truyền lửa Then cho thế hệ trẻ ở xã Trung Trực (Yên Sơn).

 

Đi vào lòng người...

Cách trung tâm xã gần 5 km, thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn) nằm nép mình dưới những đồi núi điệp trùng. Trước đây, bà con nơi đây tồn tại tư tưởng, phong tục lạc hậu, mỗi khi ốm đau, bà con vẫn thường nghĩ rằng mình bị ma bắt. Họ phải cúng ma, phải mời thầy mo đến đuổi con ma đi thì mới khỏi bệnh được.

 Bà Hà Thị Mỵ cùng các thành viên trong câu lạc bộ luyện tập, biểu diễn hát Then.

Có dạo, dịch bệnh sốt rét hoành hành, cứ vài ba ngày lại co người mắc bệnh nhưng không ai chịu đến trạm y tế xã điều trị. Họ mời thầy mo đến làm lễ cúng, dùng bùa ngải ra phép để trị bệnh. Bà Mỵ là cán bộ y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số. Bà cùng cán bộ trạm y tế xã ngày đêm bám bản, phát thuốc tuyên truyền giải thích. Thế nhưng, nhiều người  tuyên bố “bị đau ốm là do con ma rừng, ma núi nó trừng phạt, vì vậy phải làm lễ cúng thì ma mới buông tha”.

Không nản chí, bà tranh thủ gặp gỡ, tuyên truyền ở mọi lúc, khi bà con lên nương, lên núi, phút ngơi nghỉ cũng trở thành thời gian quý để bà tuyên truyền, sẻ chia, tâm sự. Có lần gặp bệnh nhân nặng bị sốt rét đến vàng da, rụng tóc, bà kiên quyết trực tiếp đưa bệnh nhân đến trạm y tế xã chữa trị. Một thời gian dài mời hết thầy mo này đến thầy mo khác về cúng, bệnh tình càng nặng thêm. Nhưng chỉ sau hơn 1 tuần nhờ y tá điều trị mà bệnh nhân dần khỏi.

Nhờ nói được cộng thêm sự quyết liệt, tâm huyết, những lời nói của bà Mỵ cũng dần hồi chuyển bà con nơi đây. Quan niệm “thuốc cha không bằng ma cầu” dần dà đã không còn, bà con có bệnh đều biết đến trạm y tế xã, bệnh viện để khám.

Rồi thì “công cuộc” đẩy lùi quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, “đông con đông của” cũng làm mất nhiều công sức của cán bộ dân số Hà Thị Mỵ. Bà bảo, trước đây chị em sinh đẻ “vô tội vạ”, quan niệm “có nếp có tẻ” đã khiến dân số thôn ngày một gia tăng, cái nghèo, cái đói đeo đẳng. Chứng kiến thực tế đáng buồn tại địa phương khi nhiều gia đình sống trong cảnh “tay bồng tay bế” nheo nhóc. Bà Mỵ luôn tâm niệm mình phải làm điều gì đó để bớt đi tình trạng này.

Những ngày đầu làm cộng tác viên dân số, bà gặp nhiều khó khăn do nhận thức của bà con còn hạn chế. Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, bà tìm tòi nhiều cách tuyên truyền sáng tạo. Những câu khẩu hiệu, pháp lệnh dân số khô cứng được bà “vận” vào những bài thơ ngắn gọn, dễ thuộc, đi vào lòng người như: “Sinh con chỉ một đến hai/Cho dù là gái hay trai đẹp lòng/Vợ chồng ý hợp tâm đồng/Hai con xin nhớ đặt vòng tránh thai”; “Dù gái dù trai/Chỉ hai là đủ/Xin đừng cổ hủ/Nhất định phải “trai”/Để rồi ngày mai/Nguy cơ bùng nổ...”. Những câu thơ vui nhộn như thế được bà lồng ghép vào những buổi họp thôn khiến không khí buổi họp sôi nổi hẳn, ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Anh Nông Văn Sửu cho biết: “Gia đình tôi sinh được 2 con gái, tôi bàn với vợ là sinh thêm một con trai nữa. Được bà Mỵ nhiệt tình vận động tuyên truyền nên dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Vợ chồng tôi quyết định không sinh nữa vì con gái, con trai đều là con của mình cả...”.

Bà Hà Thị Mỵ tuyên truyền tiêm vắc-xin Covid-19 đến bà con thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn).

Bà Then Mỵ

Bà Hà Thị Mỵ đến với Then với một niềm đam mê từ thuở nhỏ. Không chỉ tài năng ở giọng hát ngân vang, trầm ấm mà bà còn thể hiện tài năng trong sáng tác và truyền lửa cho thế hệ trẻ. Hiện nay, bà là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của xã với 38 thành viên.

Bà Mỵ bảo, Then Tày được bà con ví von như cây đa nhiều cành, nhiều nhánh lan tỏa, bám rễ vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Làn điệu Then bắt nguồn từ sáng tạo dân gian và theo dòng chảy đời sống, những làn điệu ấy được biến chuyển thích nghi với đời sống mới. Để hòa nhịp văn hóa cổ truyền vào cuộc sống ngày nay thì việc “khoác áo mới” cho dân ca là điều bà luôn tâm niệm. 

Đến nay, bà Mỵ đã sáng tác và chuyển thể hàng trăm bài hát Then về các chủ đề khác nhau. Điển hình như Bài ca dân số, Dinh dưỡng mọi nhà, Chủ trương hợp lòng dân. Rồi trong những ngày cả nước gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, bà cũng đã sáng tác bài hát Then Covid - lịch sử, Thông điệp 5k, Cảm ơn người chiến sỹ áo trắng... Thời gian này, tỉnh ta tích cực tuyên truyền tiêm phòng vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại. Trước tình trạng nhiều người dân lơ là, tránh tiêm phòng, bà Mỵ đã sáng tác bài hát Then Tuyên truyền về tiêm phòng vắc-xin: “Ới la! Trước luồng bão dịch “cô na”/Dân ta đoàn kết vượt qua an toàn/Vì thế không được chủ quan ới la!/Tiêm vắc- xin đầy đủ không loan tin mù/Mũi 3, mũi 4 tự tin/Không lo virut hoành hành như xưa”…

Bà Hà Thị Mỵ truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.

Cùng với tiếng đàn Tính, những giai điệu Then được ngân vang trong những lần liên hoan văn nghệ, những cuộc họp thôn, bản, giúp bà con hào hứng và thích thú lắng nghe. Nhiều người cố gắng học thuộc lời để hát và biểu diễn.

Bà Nông Thị Mí, thôn 5, xã Trung Trực chia sẻ: “Tôi thích nghe bài hát Then của bà Mỵ lắm! Nhờ đó tôi nắm được kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho các con, cho bản thân cũng như người thân trong gia đình. Đặc biệt, trong đợt tiêm phòng Covid -19, tôi bị bệnh nền nên rất lo lắng, sợ không dám tiêm nhưng được nghe bà Mỵ giải thích, tuyên truyền nên tôi hiểu và tiêm phòng đầy đủ”.

Bên cạnh hát hay, đàn giỏi, sáng tác được nhiều bài, bà Mỵ còn là “nghệ nhân” tích cực truyền “lửa Then” cho thế hệ trẻ. Bà luôn động viên và khuyến khích các bạn trẻ tìm hiểu về Then. Bà cho biết, bà luôn cố gắng để tiếng Then như một sợi dây kết nối mọi thế hệ gần nhau. Đó là sức mạnh để tiếng hát Then vang mãi trên mảnh đất quê hương.

Câu lạc bộ hiện có 12 thành viên từ 6 đến 14 tuổi. Em Lục Huyền Lương, 11 tuổi chia sẻ: “Được bà Mỵ chỉ bảo nhiệt tình nên 2 năm nay em đã học và thuộc nhiều bài Then cổ, Then lời mới. Em còn thường xuyên tham gia các hội diễn văn nghệ, giao lưu của xã, huyện tổ chức, giúp mọi người được thưởng thức và hiểu hơn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày”.

Thời gian gần đây, bà Mỵ còn biết sử dụng mạng xã hội, quay video hoặc phát trực tiếp để “lan tỏa” đến mọi người. Bà bảo, còn sức còn sáng tác, còn cống hiến hết mình để nhiều người biết đến Then, hiểu thêm lời ca ý nghĩa bà gửi gắm. Với những đóng góp tích cực cho thôn bản, bà Mỵ đã nhận được nhiều giấy khen của chính quyền địa phương. Trong đó bà được UBND huyện Yên Sơn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, giai đoạn 2014 - 2019.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 51
Hôm qua : 580