• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt là phương thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Với phương thức này, người hưởng các chế độ ASXH không phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền, ký danh sách chi trả. Việc chi trả không dùng tiền mặt vừa mang lại lợi ích cho người hưởng chế độ, vừa giúp cơ quan quản lý giảm được chi phí hành chính.

An toàn, tiện lợi

Trước đây, mỗi kỳ lấy lương hưu, bà Lê Thị Nhung, cán bộ hưu trí ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) lại phải đến điểm chi trả lương của tổ để ký nhận thì hơn 1 năm qua, từ khi đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng đã giúp bà tiết kiệm thời gian đi lại. Hằng tháng, tiền được chuyển vào tài khoản nhanh chóng, có tin nhắn ngân hàng báo chuyển tiền và bà có thể rút tiền ở bất cứ đâu khi cần, kiểm soát được số tiền mình đang có và không phải viết giấy ủy quyền khi có việc đột xuất vào kỳ nhận lương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); phối hợp với BHXH tỉnh triển khai chi trả hỗ trợ BHTN cho người lao động theo phương thức không dùng tiền mặt. Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và trực tiếp tại Trung tâm Dịch việc làm, văn phòng tại các huyện. Trong đó, 1.436 trường hợp đăng ký trực tuyến đã có quyết định thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 18 tỷ đồng. 100% trường hợp được BHXH tỉnh thực hiện chi trả theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không dùng tiền mặt.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.

Là công nhân Công ty TNHH Display Việt Nam, tháng 1-2023, chị Nguyễn Thị Phương, thôn Tiên Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) xin nghỉ việc để thu xếp công việc gia đình. Sau khi nghỉ việc, chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, chị đã thực hiện đăng ký làm thủ tục Online trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chị cho biết, khi đến đăng ký kê khai, làm thủ tục để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp chị được nhân viên hướng dẫn kê khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ. Chị được thanh toán chế độ qua tài khoản cá nhân, việc chi trả theo hình thức này vừa nhanh chóng, thuận tiện, giúp chị không mất thời gian đi lại, tốn kém chi phí.

Triển khai nhiều giải pháp

Thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 29/5/2023 về triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách ASXH theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại; góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong chi trả chính sách ASXH cho người dân...

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện nay việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện qua tổ chức dịch vụ chi trả do phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện ký hợp đồng với đơn vị Bưu điện tiến hành chi trả. Trong đó, chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho trên 38.000 đối tượng, kinh phí trợ cấp trên 20 tỷ đồng/tháng; trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cho gần 7.000 đối tượng, kinh phí trợ cấp gần 15 tỷ đồng/tháng.

Đồng chí Phạm Thái Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở  phối hợp với các cơ quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu, thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt của các đối tượng, từng bước thực hiện trả trợ cấp qua tài khoản cá nhân. Trước mắt, kế hoạch sẽ được thực hiện tại những khu vực có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, những đối tượng có điều kiện, có khả năng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; sau đó từng bước tuyên truyền, vận động, nhân rộng ở các vùng còn khó khăn và các đối tượng còn lại.

Trong quá trình triển khai chi trả trợ cấp BHXH qua thẻ ATM, BHXH tỉnh đã xây dựng lộ trình thực hiện kế hoạch hàng năm trên cơ sở thực tế của địa phương. BHXH tỉnh phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và chi trả cho các đối tượng; giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các huyện, thành phố. Đồng thời, lấy việc thực hiện các chỉ tiêu giao làm tiêu chí chấm điểm thi đua hàng năm để các đơn vị phấn đấu thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn. Một phần do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người dân còn rất phổ biến. Hầu hết các đối tượng thuộc nhóm hưởng trợ cấp là người già, người khuyết tật, người yếu thế nên hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin. Số lượng máy ATM của các ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Sơn nói, huyện có 6.866 đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội, số tiền chi trả trên 3,6 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, qua rà soát đến thời điểm tháng 5-2023 chỉ có 5% số người đang hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn huyện có nhu cầu chi trả qua phương thức không dùng tiền mặt. Huyện có 28 xã, thị trấn nhưng hiện chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện, Ngân hàng TMCP Công Thương Chi nhánh huyện với 5 điểm giao dịch tại: thị trấn Yên Sơn, xã Trung Sơn, xã Đội Bình, xã Xuân Vân, xã Trung Môn. Điều này cũng gây hạn chế đến nhu cầu nhận chi trả qua tài khoản của người hưởng chế độ.

Chi trả ASXH không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để triển khai sâu rộng, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân và đối tượng được thực hiện chi trả cần nhận thức đúng về lợi ích mang lại nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình chuyển đổi phương thức chi trả từ tiền mặt sang chi trả không dùng tiền mặt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 118
Hôm qua : 580