• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rừng Tuyên Quang mãi xanh

Những năm qua, Tuyên Quang đã quyết liệt, sáng tạo trong trồng và bảo vệ rừng nên thuộc số ít địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Từ những khu đất cằn cỗi nhưng với sự chăm chỉ, sáng tạo của người nông dân đã nhân lên những cánh rừng xanh. Rừng đã mang đến sự ấm no, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, đưa ngành kinh tế này trở thành mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.

Đổi thay từ rừng

Xã Đông Thọ (Sơn Dương) bạt ngàn rừng keo, bạch đàn san sát, vươn cao vút. Rừng đã mang đến sự ấm no, góp phần thiết thực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Minh Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết, thay vì phải vận động từng hộ trồng rừng, giờ đây, mọi người dân đều ý thức được vai trò của rừng, chủ động đầu tư, bảo vệ rừng bởi họ thấy được những lợi ích thiết thực của rừng đem lại. 

Gia đình anh Trần Văn Lợi có diện tích rừng trồng nhiều nhất thôn Làng Mông, xã Đông Thọ, với hơn 8 ha. Anh Lợi chia sẻ, năm 1994 anh bắt đầu khai hoang đất trồng 8 ha bạch đàn và keo lai. Năm 2016, sau bao khó khăn vất vả, vợ chồng anh Lợi đã thu về thành quả đầu tiên từ 8 ha keo và bạch đàn. Bằng cách trồng và thu hoạch theo chu kỳ cây sinh trưởng, mỗi năm gia đình anh đều đặn khai thác từ 2 - 3 ha. Từ năm 2016 đến nay, anh thu về gần 1 tỷ đồng từ rừng. Ngoài trồng rừng, anh Lợi còn làm thêm nghề khai thác gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Từ khai thác gỗ anh có thêm nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ một hộ nghèo, nhờ có rừng, anh đã xây được căn nhà xây khang trang, mua được xe ô tô.

Những cánh rừng mang lại no ấm cho người dân Tuyên Quang.

Đến xã Công Đa (Yên Sơn) thời điểm này, những diện tích đất trống đồi núi trọc trước đây đã phủ kín màu xanh của rừng với hàng trăm ha keo, mỡ. Một trong những người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã Công Đa là hộ ông Trần Văn Công, thôn Khuân Bén. Ông Công cho biết, nhờ chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước, gỗ rừng trồng trở thành mặt hàng có giá, năm 2010, gia đình khai thác 8 ha rừng, thu trên 400 triệu đồng. Năm 2015, địa phương vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, ông Công tiên phong tham gia. Ông Công bảo, được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán cao hơn rừng thường từ 15 - 20% tùy theo độ tuổi và chất lượng rừng. Từ năm 2018 đến 2021, gia đình ông khai thác hơn 25 ha keo, mỡ, thu trên 2,1 tỷ đồng.

Ông Bùi Tiến Thành, Bí thư chi bộ thôn Khuân Bén cho biết, cách đây hơn 15 năm, người dân Khuân Bén bắt đầu chú trọng vào trồng rừng. Đến nay, hầu như toàn bộ diện tích đất rừng tại địa phương đã được “xanh hóa”. Trung bình mỗi hộ dân ở thôn đều có khoảng 1 ha rừng, hộ có nhiều nhất là hơn 40 ha rừng. Rừng đã mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều gia đình. 
Không chỉ người trồng rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào đã đạt doanh thu trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước bình quân mỗi năm trên 120 tỷ đồng, ổn định việc làm cho hàng nghìn công nhân với thu nhập đến nay đạt 8 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh đó, khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ của các công ty, hợp tác xã, hộ gia đình trong tỉnh cũng tạo việc làm cho người lao động với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng của các nhà máy chinh phục được các thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh. Chỉ tính riêng các nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, trung bình mỗi năm sản xuất ra 150.000 m3 sản phẩm gồm ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất để xuất khẩu chủ yếu vào Tập đoàn IKEA - tập đoàn kinh doanh đồ gỗ lớn nhất thế giới.

Để lâm nghiệp phát triển bền vững

Tuyên Quang có thế mạnh về trồng rừng. Toàn tỉnh hiện có trên 426.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 233.000 ha, rừng trồng hơn 192.000 ha, là địa phương có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm hơn 23% sản lượng khai thác toàn vùng. Đặc biệt, có đến 88% lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nhất là về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng được cải thiện.

Các nghị quyết của BCH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề án của UBND tỉnh đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển xanh. Mới đây nhất, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 26-6-2021 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2030. Tỉnh quyết tâm thực hiện giao đất, giao rừng cho các chủ rừng, hộ gia đình, theo đuổi mục tiêu phát triển lâm nghiệp bảo đảm cả lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường sinh thái; trồng và bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, chế biến sản phẩm từ rừng, tăng thu nhập cho người lao động.

Người dân thôn Bản Tấng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) tích cực trồng rừng.

Các phong trào “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”... được phát động ở khắp các địa phương trong tỉnh. Với phương châm “gần trồng trước, xa trồng sau; dễ trồng trước, khó trồng sau”, diện tích đất trống đồi núi trọc dần được thu hẹp. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh luôn ở  mức trên 65%, là 1 trong số ít tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước. Đây là kết quả nhiều năm quyết liệt, bền bỉ thực hiện việc trồng và bảo vệ rừng của Tuyên Quang.

Nhằm tạo sinh kế cho người trồng rừng, tỉnh có kế hoạch phát triển mỗi năm khoảng 400 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, lâm sản đặc sản dưới tán rừng và phát triển các mô hình lâm nghiệp tổng hợp, gắn với phát triển du lịch, chăn nuôi ở những nơi có điều kiện; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các chuỗi giá trị lâm nghiệp.  Mục tiêu đến năm 2025, giá trị thu được từ rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt trên 160 triệu đồng, rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 310 triệu đồng/ha. 

Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững là nghị quyết đặc biệt quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống nhân dân. Đây là nguồn lực to lớn để khuyến khích gia tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa. Qua đó giúp các chủ rừng trên địa bàn huyện có thêm sự chủ động và quyết tâm trong đầu tư sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy gia tăng giá trị rừng trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên rừng tại địa phương.

Thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị về mặt đa dạng sinh học của rừng tự nhiên; tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ  50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Hỗ trợ 100% cây giống trồng chính theo mật độ quy định trong quy trình kỹ thuật trồng rừng của cấp có thẩm quyền, để hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất; từng bước xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kế hoạch đề ra; xây dựng thí điểm dự án mua bán phát thải CO2 với Công ty cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho người làm nghề rừng, nhà quản lý, cán bộ và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh... Tỉnh phấn đấu trước năm 2025 hoàn thành kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; đến năm 2025, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 970
Hôm qua : 951