• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt mọi khó khăn, tự hào làm nhiệm vụ cứu hộ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ

Sau 15 giờ bay, Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam gồm 24 cán bộ, chiến sĩ hạ cánh xuống sân bay Adana, rồi lên xe ô-tô đến đường 531, Adiyaman Merkez, Adiyama, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là địa chỉ được ban tổ chức nước bạn phân công thực hiện cứu hộ, cứu nạn - 1 trong 3 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa động đất.

Ngay sau khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn Việt Nam trao tặng 2 tấn vật tư thiết bị y tế cho nước bạn. (Ảnh do đoàn Cục Phòng
cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ-Bộ Công an từ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp)

Trong đống đổ nát khổng lồ đó, ước tính có khoảng hơn 15 người đang bị vùi lấp. Để chạy đua cùng thời gian, đoàn tiến hành khảo sát thực tế, lên ngay phương án cứu nạn, cứu hộ, lắp đặt bố trí 13 tấn thiết bị mang theo, dựng trại, nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiệm vụ.

Trong mọi tình huống, hoàn cảnh, các chiến sĩ Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ phải luôn thực hiện nhiệm vụ khẩn trương nhất, nhanh nhất có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, lần xuất quân ngay những ngày đầu năm 2023 rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an Việt Nam đi làm nhiệm vụ quốc tế ở một nơi rất xa Tổ quốc với muôn vàn khó khăn.

Lần hành quân cấp tốc này, một số các cán bộ, chiến sĩ Thành phố Hồ Chí Minh phải bay gấp ra hội quân tại Hà Nội để kịp lên đường. Mọi tư trang, hành lý cá nhân hết sức đơn giản nhất để tập trung quản lý hơn 13 tấn thiết bị mang theo.

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân qua mạng, tranh thủ những phút giây hiếm hoi, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đang trực tiếp chỉ đạo Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ, nguy hiểm trực chờ, các cấu kiện của các tòa nhà tiếp tục sập xuống. Trời lạnh tới âm 6 độ C, gió rất to, chỉ cần bỏ găng tay ra là lạnh cóng. Ban đêm, anh em ngủ trong lều trại….”.

Lần hành quân cấp tốc này, một số các cán bộ, chiến sĩ Thành phố Hồ Chí Minh phải bay gấp ra hội quân tại Hà Nội để kịp lên đường. Mọi tư trang, hành lý cá nhân hết sức đơn giản nhất để tập trung quản lý hơn 13 tấn thiết bị mang theo.

Bữa ăn dã chiến của người lính thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ những ngày này, khi là ổ bánh mì cứng và nguội ngắt, khi là bữa ăn đơn sơ, một chút rau, một chút cơm và thịt hộp. Nhiều bữa khẩu phần không hợp khẩu vị, nhiều người không ăn được, nhưng anh em trong đoàn vẫn động viên nhau cố gắng ăn để bảo đảm sức khỏe.

Do việc bất đồng ngôn ngữ, để có thể đưa ra và thống nhất các phương án phối hợp, cần ít nhất 2 người phiên dịch qua ngôn ngữ trung gian. Đây cũng là cách thức giao tiếp của đoàn công tác của Việt Nam khi trao đổi với các lực lượng địa phương trong những ngày vừa qua.

Việc không kịp thời thấu hiểu ngay các phương án đặt ra, dẫn đến sự phối hợp giữa các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của nước sở tại chưa ăn nhịp, dẫn đến việc xử lý tình huống bị ảnh hưởng tiến độ.

Bên cạnh đó, sinh hoạt hằng ngày của đoàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo đảm hậu cần do các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn tự túc thực hiện, do hệ thống hạ tầng khu vực sở tại đều hư hỏng, hệ thống nước vệ sinh các tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Do vậy, việc vệ sinh cá nhân mỗi người phải tự động xử lý, nỗ lực vượt qua.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cung cấp hậu cần, khí hậu khắc nghiệt, lạnh giá, phải ngủ trong lều bạt, không có nơi tắm rửa, vệ sinh..., song, công tác hợp tác quốc tế của đoàn Việt Nam được nước bạn và lực lượng quốc tế đánh giá cao.

Vượt lên trên tất cả rào cản là sự đồng thuận, kết hợp chặt chẽ giữa nhân viên cứu hộ của các quốc gia, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, tất cả vì người bị nạn và quốc gia bị nạn!

Cho đến 20 giờ 15 phút ngày 13/2 giờ địa phương, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã phối hợp, cứu sống được một thanh niên 17 tuổi, đưa 4 thi thể nạn nhân trong các ngôi nhà bị sập đổ bàn giao lực lượng chức năng.

Đồng thời, công tác cứu trợ cũng được triển khai ngay. Đoàn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam đã trao tặng 2 tấn thiết bị y tế cho phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD).

Cho đến 20 giờ 15 phút ngày 13/2 giờ địa phương, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã phối hợp, cứu sống được một thanh niên 17 tuổi, đưa 4 thi thể nạn nhân trong các ngôi nhà bị sập đổ bàn giao lực lượng chức năng.

Hàng hóa bao gồm các loại thuốc cấp cứu, cơ số thuốc thiết yếu, vật tư y tế, lều trại dã chiến, hóa chất phòng, chống dịch, và thiết bị y tế sử dụng trong tình huống cấp cứu thảm họa.

Đại diện AFAD cho biết, sẽ điều phối số vật tư trang thiết bị này về các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế, nơi đang rất thiếu thuốc men, cũng như các thiết bị y tế cấp cứu.

Nhận được sự viện trợ kịp thời của đoàn Việt Nam, Phó Giám đốc AFAD tại Adiyaman, ông Isamail Sahin đã gặp Trưởng đoàn Việt Nam là Đại tá Nguyễn Minh Khương gửi lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ này của Bộ Công an, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Ngay sau đó, đoàn Việt Nam phối hợp cùng AFAD vận chuyển số hàng hóa về các khu vực được chỉ định. Trong đó có bệnh viện lớn nhất của Adiyaman, phục vụ công tác cấp cứu và điều trị. Số còn lại, chuyển ra các trại y tế lưu động.

Đến tối 13/2, Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an đã di chuyển đến địa điểm mới. Hiện, đoàn đang gấp rút triển khai thiết bị dò bằng radar tìm kiếm người bị nạn tại số 2801 đường Yeni Sanayi, thành phố Adiyaman. Tại đây, ước tính còn hàng trăm tấn bê-tông, gạch vữa tại hiện trường cần dọn dẹp để tiếp cận các nạn nhân.

Tại hiện trường ngổn ngang, Đoàn cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị sở tại, sử dụng máy xúc che chắn, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Sử dụng thiết bị chuyên dụng cắt sắt, thép giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng hiện trường, tìm kiếm người bị nạn.

Kế hoạch trong mấy ngày tới của Đoàn là sẽ tiếp tục phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương và các lực lượng khác của quốc tế tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân, khắc phục hậu quả thảm họa tại các vụ sụp đổ.

Những nỗ lực của đoàn công tác đã luôn nhận được sự chia sẻ, cảm ơn từ phía lực lượng bạn, đặc biệt là người dân thành phố Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng một cô gái Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm gặp đoàn và nói lời cảm ơn. Cô gái cảm động nói: “Tôi rất cảm ơn vì các bạn đã đến đây giúp đỡ, giữ lại những sự sống cho nhân dân chúng tôi! Nếu chẳng may Việt Nam có xảy ra thiên tai, chúng tôi chắc chắn cũng sẽ lên đường giúp đỡ Việt Nam!”.

Dù vẫn đang đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng những giờ nghỉ hiếm hoi sau giờ đổi ca giữa các nhóm, các thành viên tranh thủ thời gian ít ỏi để liên lạc với người thân. Qua đó, các anh được biết tại quê hương, mọi người dân Việt Nam nói chung, cũng như gia đình, người thân, đồng đội luôn hướng tới các anh với niềm tin tưởng thương yêu!

Bữa ăn dã chiến ngay trên thực địa đổ nát. (Ảnh: Đoàn Cục Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn,
 cứu hộ-Bộ Công an từ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp)

Với Trung tá Vũ Thu Huyền, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ-Bộ Công an, tuy đã nhiều lần chứng kiến cảnh đồng đội của mình xông pha vào nơi nguy hiểm, nhưng chứng kiến lần xuất quân đặc biệt này, chị cũng như đồng nghiệp ở nhà luôn ngập tràn cảm giác yêu thương và đặc biệt tự hào.

Dù không có mặt tại hiện trường, nhưng chị và đồng đội luôn cố gắng, nỗ lực từng giờ, từng phút đón nhận tin tức của đồng đội từ Thổ Nhĩ Kỳ chuyển về, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, góp phần lan tỏa hình ảnh anh dũng và tinh thần quả cảm của các đồng chí, đồng đội.

Trung tá Vũ Thu Huyền tự hào và thân thương gọi đồng đội là “các chàng trai nhà tôi!".

Còn với chị Vũ Thu Hường, vợ Thiếu tá Lại Tuấn Anh, Phòng Cứu nạn, cứu hộ C07), là 1 trong 24 cán bộ, chiến sĩ của C07 đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế, dù cùng ngành và nhiều lần tiễn chồng đi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, nguy hiểm, nhưng lần này, chị không tránh khỏi cảm giác lo lắng trước chuyến đi đặc biệt của chồng.

Chị Hường tâm sự: "Ban đầu, tôi cùng người thân trong gia đình đều cảm thấy lo lắng bởi biết chồng, con mình đang đi vào nơi nguy hiểm với bao khó khăn, vất vả ở nơi xa xôi, phải tự thân, tự lực nhiều thứ. Thi thoảng, chồng tôi nhắn được một vài cái tin ngắn ngủi thông báo ở bên đó, anh và đồng đội vẫn ổn, nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các lực lượng nước bạn, cũng như sự giúp đỡ của người dân sở tại, mong gia đình yên tâm không phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, qua phương tiện truyền thông, gia đình đều biết được những khó khăn, nguy hiểm mà các anh đang đối mặt. Biết được điều đó, gia đình không nhắn tin, điện thoại nhiều, để chồng cùng đồng đội yên tâm công tác".

Chị Hường chia sẻ: “Sau những giờ phút lo lắng, sốt ruột ban đầu, giờ tôi cùng gia đình cảm thấy tự hào vô cùng bởi nhiệm vụ quốc tế đặc biệt mà chồng cùng đồng đội của anh đang thực hiện”.

Nhắn nhủ với những người đang ở quê hương, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ cho biết: “Với tấm lòng "thương người như thể thương thân", chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức "chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần" nỗ lực tìm kiếm người bị nạn trong các đống đổ nát, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Anh hùng, của hình ảnh Tổ quốc Việt Nam trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế”.


Nguồn:Theo Nhân Dân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 84
Hôm qua : 613