• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Theo dấu chân Người

Những câu chuyện về Ông Ké vẫn hiện diện trên từng mảnh đất của vùng ATK lịch sử, nơi Người dừng chân, làm việc khi từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến. Trên những mảnh đất in dấu chân Người, đảng bộ, chính quyền và nhân dân vẫn ngày ngày khắc ghi lời Bác dạy, nỗ lực vươn lên.

Tự hào đi lên...

Trong hành trình trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ở thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa), Bản Pình, Bản Pài, xã Trung Minh, Làng Chạp, xã Trung Sơn, Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn), Làng Dõn, xã Minh Thanh (Sơn Dương) rồi về Tân Lập, Tân Trào (Sơn Dương).

Sau gần 8 thập kỷ, những vùng quê này đang đổi thay từng ngày, với điểm tựa lịch sử vững chắc và đầy tự hào.

Bà Hứa Thị Thăng, Trưởng thôn Pác Hóp, xã Linh Phú cho biết, thôn có 118 hộ, chiếm 98% dân số là người dân tộc Tày, Mông, Pà Thẻn. Bà con các dân tộc thôn Pác Hóp rất vinh dự và tự hào là một trong những địa phương in dấu chân Người. Niềm tự hào đó đã thôi thúc nhân dân trong thôn ra sức phấn đấu lao động, sản xuất, học tập, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Người dân xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chế biến chè, nâng cao thu nhập.

Năm vừa rồi đăng ký việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một trong những việc mà các đảng viên đăng ký nhiều nhất là trồng và chăm sóc rừng. Bà Thăng bảo, Pác Hóp có đặc thù chủ yếu đồi núi dốc, rất phù hợp với cây lâm nghiệp. Hiện thôn có gần 100 ha rừng trồng, là thôn có diện tích rừng trồng cao nhất, nhì xã Linh Phú.

Nhiều gia đình như gia đình bà Hứa Thị Lụa, Hà Ngọc Thọ, Hà Ngọc Tuân, Hà Ngọc Thuyền... có thu nhập cả trăm triệu từ rừng. Đảng viên Hà Ngọc Thuyền ở Pác Hóp có hơn 6 ha trang trại tổng hợp. Hơn 1.000 cây ăn quả các loại, như: cam, bưởi, quýt, mít, thanh long, chanh, táo, cây trám, ao cá rộng hơn 2.000 m2 vừa tích nước vừa để tưới cây, vừa chăn nuôi cá thương phẩm; diện tích đất đồi cao ông trồng mỡ, trồng xoan... Người đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng này tự hào, bảo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là việc gì xa xôi. Việc gần nhất là xóa nghèo cho chính mình, rồi giúp đỡ những người khác về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật và vốn.

Kinh tế vững, người dân Pác Hóp không nề hà đóng góp vì việc chung. Năm 2021, người dân trong thôn đã tự nguyện chặt cây cối, thu dọn hoa màu, giải phóng hơn 6.000 m2 đất vườn, đất ruộng để Nhà nước xây dựng 2 tuyến đường liên xã, nội đồng. Ngoài ra, nhân dân trong thôn góp công, góp của bê tông hóa được 230 m đường ngõ xóm. Hiện, nhà văn hóa thôn đã xây dựng to đẹp, các tuyến đường ngõ xóm cơ bản cứng hóa, thôn bản ngày một khởi sắc khang trang.

Trung Minh (Yên Sơn), mảnh đất tự hào là một trong những “vành đai Dao” giác ngộ cách mạng từ rất sớm, chở che, bảo vệ cán bộ suốt những năm tháng chống Pháp gian khổ, giờ cũng đang vươn lên từng ngày. Ở Trung Minh, người Dao giờ vẫn chiếm đa số. Từng giác ngộ cách mạng sớm, đồng bào giờ đây cũng tiên phong trong mọi phong trào của địa phương, nhất là trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo.  

Bản Pình, xã Trung Minh giờ được ví như vùng đất của rừng. Rừng bao quanh thôn làng, chở che cho “bộ đội cụ Hồ” ngày nào giờ cũng làm thành lũy vững chắc bảo vệ và làm giàu cho dân làng. Phó Bí thư chi bộ Bản Pình Chu Văn Dần bảo, ở Bản Pình giờ có hơn 70 ha. Năm 2019, xã Trung Minh vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, Bản Pình tham gia với hơn 30 ha, trong đó chủ yếu là đảng viên, như Đặng Chí Cường, Chu Minh Đạo, Chu Văn Dần, Triệu Chính Quy, Chu Văn Tấn, Bàn Thị Hưng...

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Minh Triệu Văn Thượng cho biết, không chỉ ở Bản Pình, câu chuyện trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC đã mở rộng ra toàn xã. Hiện có gần 115 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC trong tổng số hơn 3.000 ha rừng trồng sản xuất.

Gương mẫu học Bác

Câu chuyện học Bác ở Trung Sơn (Yên Sơn) được mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Sơn Bàn Văn Thân chia sẻ, sau nửa năm đăng ký việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ở Trung Sơn đã xuất hiện rất nhiều điển hình. Bí thư chi bộ thôn Lâm Sơn Mai Đức Tuấn là một trong số đó. Anh Tuấn vừa vinh dự là cá nhân tiêu biểu của xã Trung Sơn tham dự hội nghị tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của huyện Yên Sơn.

Cánh rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của Phó Bí thư chi bộ Bản Pình Chu Văn Dần.

Lâm Sơn là thôn bám mặt đường, nằm dọc trung tâm xã Trung Sơn. Giữ vệ sinh đường làng ngõ xóm, xứng đáng là thôn trung tâm của xã, Bí thư chi bộ Mai Đức Tuấn đã cùng với chi ủy vận động nhân dân tăng cường sản xuất kinh doanh dịch vụ, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và các tổ tự quản thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn. Chỉ có hơn 21 ha đất sản xuất, Chi bộ thôn Lâm Sơn vận động người dân tích cực sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập, không vì không có ruộng có rừng mà nghèo đi. Ông Tuấn cho biết, giờ ở Lâm Sơn đã có gần 100 hộ kinh doanh dịch vụ, thu nhập bình quân đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này hiện là mức thu nhập cao nhất của xã Trung Sơn.

Ở Lâm Sơn, việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn cũng được các hộ dân thực hiện rất hiệu quả. Rác thải được người dân chủ động phân loại ngay tại hộ gia đình, việc thu gom, vệ sinh đường làng ngõ xóm được thực hiện định kỳ.

Tổ tự quản an ninh trật tự thôn Lâm Sơn cũng là tập thể duy nhất của xã được tuyên dương tại hội nghị tuyên dương thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của huyện Yên Sơn năm 2021. Ông Quan Văn Có, tổ trưởng tổ tự quản cho biết, việc lắp đặt camera an ninh được người dân chủ động thực hiện. Nhân dân trong thôn cũng chủ động, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Năm nay, Minh Thanh (Sơn Dương) nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới. Bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy Đảng, thì những “tấm lòng vàng” của người dân là cơ sở để xã tiến bước về đích.

Ở Minh Thanh, nhiều tuyến đường giao thông bị xuống cấp, số đường đất còn nhiều, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của bà con. Chính vì thế, người dân đều chung một khát khao, mong ước có con đường rải nhựa, rải bê tông như các nơi khác. Điều mong ước của người dân giờ đây đã trở thành hiện thực khi tuyến đường ĐH18, ĐH07 được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 72 tỷ đồng. Đây là con đường huyết mạch của xã đi qua 10/14 thôn, có tổng chiều dài 9,6 km.

Thôn Cả được đánh giá là một trong những thôn dẫn đầu trong xây dựng đường giao thông nông thôn của xã Minh Thanh. Bà Chu Thị Vui, Trưởng thôn Cả cho biết, đối với các nơi khác, việc hiến đất làm đường gặp rất nhiều khó khăn, thì thôn Cả lại rất dễ dàng. Từ khi nhận được kế hoạch xây dựng nông thôn mới của xã, trong đó có việc sửa chữa nâng cấp tuyến đường ĐH07, chỉ thông qua 2 buổi họp thôn, 100% số hộ đã tự nguyện hiến đất và đồng tình hưởng ứng. Có lẽ con đường mới là khao khát của tất cả bà con trong xã nên việc giải phóng mặt bằng trở nên thuận lợi hơn.

Theo dấu chân Người, làm theo lời Người dạy, tiếp tục khát vọng và biến khát vọng ấy trở thành hiện thực, góp sức xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Và hơn lúc nào hết, người dân Tuyên Quang như cảm nhận rõ hơn câu thơ của Tố Hữu: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…” 


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 284
Hôm qua : 613